Ads (728x90)



 Sinh viên tình nguyện dạy toán cho một học sinh trung học cơ sở tại trường luyện thi miễn phí Tadazemi, Tokyo. | BLOOMBERG


Tại Nhật Bản, cứ 6 trẻ em thì có 1 em sống trong cảnh nghèo túng, đặt ra nguy cơ thách thức cho ngành giáo dục trong tương lai


Chính sách "Abenomics" (Chính sách phục hồi kinh tế tập trung vào kích thích tài chính, nới lỏng tiền tệ và cải cách cơ cấu của thủ tướng Nhật Bản đương nhiệm Shinzo Abe) có thể đã giúp giá cổ phiếu tăng gấp đôi và đẩy lợi nhuận của các công ty như Tập đoàn Toyota Motor lên mức kỷ lục tại Nhật, nhưng một phần của nền kinh tế vẫn còn bị bỏ lại sau lưng: sự nghèo túng.

Cứ 6 trẻ em Nhật Bản thì có một em sống trong cảnh nghèo túng, mức cao nhất kể từ khi ghi nhận từ năm 1985, theo số liệu thống kê mới nhất của chính phủ. Tỉ lệ này tăng lên mức 55% trong số các trẻ em thuộc gia đình cha mẹ đơn thân - tỉ lệ được đánh giá là tồi tệ nhất trong các quốc gia thuộc OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế).

Một trong những yếu tố chính ngăn trở người nghèo vươn lên chính là chi phí giáo dục. Việc trả hàng đống phí ôn thi để hòng đậu vào các trường trung học phổ thông và kiếm được một công việc kha khá là một nhu cầu có thực. Các bậc phụ huynh không kham nổi sẽ có nguy cơ khép con em mình vào một cuộc sống có lương bổng ít ỏi.

Rất có thể sự tiềm tàng về một thế hệ mất mát của những nhân công có giáo dục trên một trong những quốc gia gánh nợ nặng nề nhất thế giới - mức nợ nhiều gấp hai lần sản lượng kinh tế hàng năm - là điều chính phủ phải gánh chịu. Nhật Bản có nền giáo dục bắt buộc đến 15 tuổi.

“Việc trẻ em không thể phát huy hết tiềm năng không nghi ngờ gì sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng và động lực của lực lượng lao động” Aya Abe, giáo sư Đại học Thủ đô Tokyo (Tokyo Metropolitan University), người nghiên cứu về tình trạng nghèo đói và những mặt trái của xã hội, cho biết trong một cuộc phỏng vấn. "Thất bại trong đầu tư thoát nghèo sẽ chỉ nhấn chìm sự tăng trưởng kinh tế."

Chính phủ, một mặt đối diện với sự già hóa dân số và suy giảm lực lượng lao động, một mặt có nguy cơ mất khoảng 96 triệu yên tiền thuế và phúc lợi xã hội do những người trẻ có hoàn cảnh khó khăn thất bại trong lập nghiệp, ông Abe cho biết.

Trẻ con Nhật Bản thiếu thốn nguồn tài chính có rất ít khả năng ở lại trường cho đến hơn 18 tuổi, số liệu thống kê của chính phủ cho thấy, trong một quốc có đến 2/3 số học sinh đi học trường luyện thi thì mức phí cho một môn học có thể ngốn hàng chục ngàn yên mỗi tháng.

Những người nhận trợ cấp đang mang nghèo đói đến cho thế hệ sau, vì việc thiếu kỹ năng nghĩa là phải vất vả kiếm đủ tiền cho con ăn học, ông Abe cho biết.

Ryousei Tahara, lớn lên cùng người mẹ đơn thân và anh trai, đã nghỉ học lúc 15 tuổi để kiếm việc làm.

Giờ đây, cậu công nhân xây dựng 19 tuổi, cao 1 m 86, đầu tóc gọn gàng nhớ lại cảnh lớn lên trong một căn hộ "nhỏ, tối, bẩn thỉu" khi mẹ đi làm từ sáng sớm đến tối khuya, sau khi cậu đã lên giường đi ngủ. Hai anh em thường bỏ bữa và đem về nhà bánh mì bơ và phô-mai từ căn-tin trường.

"Em muốn đi làm càng sớm càng tốt để kiếm tiền," cậu cho biết. "Hồi đó lúc nào em cũng thấy đói, cũng đi kiếm gì đó để ăn. Em không muốn sống như vậy nữa đâu."

Trong khi Nhật Bản tạo cơ hội bình đẳng trong giáo dục, số lượng trẻ em sống nhờ trợ cấp tiếp tục học lên đã giảm khi đi theo hệ thống. Khoảng 90 % số trẻ em trong các hộ nghèo học lên cấp ba, so với 98,4 % trẻ em trong dân số nói chung, theo nghiên cứu của giáo sư Ryu Michinaka, Đại học Quốc tế Kansai (Kansai University of International Studies) tiến hành vào năm 2010.

Về việc học lên cao hơn, có ít hơn 1/5 số học sinh có thu nhập thấp vào được đại học, so với hơn 51 % trong dân số nói chung, theo như số liệu thống kê của chính phủ.

Mức học phí trường công lên đến 400.000 yên một năm, trong khi những trường tư có mức xấp xỉ 1 triệu yên, theo số liệu thống kê của bộ giáo dục. Những gia đình nghèo hơn vì các mức học phí cho các lớp học thêm cứ cộng dồn thêm nên thường không được nhận vào học ngay từ đầu.

"Tôi cứ kẹt trong cái vòng lẩn quẩn, rồi lo lắng," một người mẹ đơn thân có cậu con trai 15 tuổi đang cố gắng học ở trường cấp hai, cho biết. "Nó mà không đậu vào trường công thì chắc nó phải bỏ học đi kiếm việc làm mà thôi," người phụ nữ 46 tuổi cho hay. Bà cũng yêu cầu không tiết lộ danh tính của mình và con trai do lo ngại bị kỳ thị.

Người mẹ làm công việc văn phòng tại trường cho biết bà đã cho con trai lớn mình nghỉ học thêm khi nhận ra phải đối mặt với mớ hóa đơn 45.000 yên một tháng cho hai môn học. Thu nhập 2,7 triệu yên hàng năm của bà chỉ ngay trên ngưỡng nhận trợ cấp, bà cho biết. Nhật Bản định nghĩa hộ nghèo là những hộ gia đình trong đó mỗi thành viên kiếm được xấp xỉ ít hơn 1,22 triệu yên.

Chính phủ đã thông qua một đạo luật trong năm 2013 cho phép vạch ra bản kế hoạch chi tiết giúp những hộ nghèo, bao gồm xếp đặt thêm nhân viên xã hội vào nhà trường và cung cấp chương trình dạy kèm miễn phí cho học sinh gặp khó khăn.

Giáo sư Mari Osawa, Đại học Tokyo (University of Tokyo) đã chỉ trích bản kế hoạch chi tiết thiếu mục tiêu cụ thể cho việc giảm nghèo do đó thất bại trong việc cung ứng đủ tiền cho những người cần giúp.

“Chẳng có hệ thống nào được lập ra để giám sát được tỉ lệ những em học lên được trung học phổ thông mỗi năm cả,” giáo sư Osawa cho biết. "Tôi phải tự hỏi không biết họ (những người lập ra bản kế hoạch chi tiết) nghiêm túc cỡ nào."

Tuy vậy, Noriko Furuya, một nhà làm luật liên minh với đảng Komei, người đã góp phần viết ra đạo luật cho trẻ em nghèo, lại cho rằng bản kế hoạch chi tiết là một bước tiến quan trọng.

“Việc hết sức cần làm là thảo ra một đạo luật dành cho trẻ em nghèo,” bà cho biết. “Đạo luật sẽ gửi đi thông điệp rằng chúng ta, với tư cách một quốc gia, sẽ giải quyết triệt để vấn đề. Tôi vẫn nhận biết có chỉ trích rằng những hạng mục cụ thể không được đề vào.”

Một quan chức thuộc Văn phòng Nội các bị cáo buộc đã hợp tác nỗ lực cho vấn đề trẻ em nghèo khó đã từ chối bình luận các chỉ trích nhắm vào các kế hoạch.

Trong một cuộc phỏng vấn năm ngoái, OECD đã nhận thấy xu hướng lâu dài dẫn đến bất bình đẳng thu nhập đã kiềm hãm tăng trưởng kinh tế, phần nào là do những người có hoàn cảnh xã hội khó khăn không đầu tư đúng mức vào giáo dục. Một nghiên cứu tiến hành vào năm 2007 ở Sakai, Tỉnh Osaka, cho thấy 25 % số người trưởng thành trong các hộ gia đình sống nhờ vào trợ cấp chính phủ nhận thấy họ cũng sẽ phụ thuộc vào bảo hiểm xã hội về sau.


Các gia đình có thể rơi vào cảnh nghèo túng sau khi ly hôn, và cần một khoản trợ cấp lớn, bao gồm nhà ở, điều trị sức khỏe tâm lý và đào tạo nghề nghiệp, nhà làm luật Furuya cho biết.

“Hầu hết các trường hợp, người mẹ sẽ là người nuôi con,” bà nói trong một cuộc phỏng vấn. “Những ai đã là nội trợ thường sẽ không có được những kỹ năng luôn cập nhật theo ngày, cũng như có nhiều kinh nghiệm. Cho dù họ có làm việc nhiều giờ thì thu nhập cũng cực kỳ thấp.”

Dưới tình trạng này, rất khó có được thời gian và sức lực giúp con trẻ đuổi kịp trường lớp. Chẳng hạn, một bà mẹ đơn thân cho biết mình đã phải làm một công việc thứ hai để kiếm cho bằng đủ, nghĩa là ra khỏi nhà đi làm từ 8 giờ sáng cho đến 10 giờ tối mỗi ngày.

Cậu con trai 15 tuổi của bà là một trong những em may mắn. Sau khi tham gia những lớp học miễn phí được một tổ chức phi lợi nhuận có tên KID'S DOOR điều hành, em đã đậu vào một trường trung học phổ thông công lập, mà tại đó giờ đây em đang tận hưởng năm học đầu cấp và lên kế hoạch học đại học.

Các lớp học cuối tuần do các sinh viên tình nguyện đến từ Đại học Tokyo (University of Tokyo), Đại học Waseda (Waseda University) và các trường cao đẳng đại học đầu ngành khác nhận giảng dạy, đã giúp em hiểu rõ việc giáo dục có thể mở rộng những lựa chọn nghề nghiệp của em như thế nào, em cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại trường luyện thi trước đây. “Em cứ tưởng mọi người học cấp ba chỉ để học,” Em nói.

Các sinh viên tình nguyện tại đó cho biết họ đã sốc khi biết được vấn đề.

“Người ta nói về chuyện chia rẻ trong giáo dục, nhưng chỉ khi tới đây, nó mới đập vào bạn” Yuki Yamada, sinh viên Đại học Tokyo theo dạy tại at KIDS’ DOOR cho biết. “Có nhiều học sinh năm cuối cấp ba còn không thuộc bảng cửu chương, không biết đánh vần một chữ tiếng Anh. Họ bỏ mặc các em hết rồi.”

Ryosei, công nhân xây dựng, cho biết việc đi học lại không phải là mối quan tâm trước mắt.

“Có chú quản đốc ở công ty xây dựng bảo em đi học hay lấy bằng gì đó đi khi còn trẻ,” em cho biết. “Nhưng em không biết mình làm được gì hay muốn làm gì hết.

“Bây giờ, em tự nuôi mình được rồi. Em thấy không cần phải thay đổi gì hết.”


(Nguồn: http://www.japantimes.co.jp)

Đăng nhận xét

Blogger