Ads (728x90)





4 SỰ THẬT KHÓ CHỊU KHI DẠY TIẾNG ANH Ở NHẬT BẢN



1. Trình độ Anh ngữ của người Nhật nhìn chung thấp hơn nhiều so với nhiều người nhận định.

Dựa trên chỉ số EPI (English Proficiency Index: Chỉ số sử dụng thông thạo tiếng Anh), Nhật Bản hiện nay (thời điểm 03/2015) đang xếp hạng thứ 26 trên 63 quốc gia được đánh giá, ngay bên dưới Hàn Quốc và Ấn Độ. Trong khi thứ hạng này được phân loại là "trình độ trung bình" và kỹ năng ngôn ngữ của toàn thể dân số khó mà xác định được, thì thứ hạng của Nhật Bản không hẳn là điểm chuẩn về độ trôi chảy; theo báo cáo của English First (một tổ chức giáo dục quốc tế hoạt động trong lĩnh vực đào tạo ngôn ngữ, du lịch, kết hợp giáo dục, trao đổi văn hóa cũng như các chương trình học thuật khác bằng tiếng Anh), "...trong sáu năm qua, người lớn ở Nhật Bản vẫn chưa cải thiện tiếng Anh của mình," nguyên nhân là do họ chỉ biết thuật lại theo bài giảng của giáo viên, ít chú trọng vào giao tiếp và thiếu trải nghiệm môi trường Anh ngữ ngoài lớp học. Về thang đo thứ hạng TOEIC (Test of English for International Communication: Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế về giao tiếp), Nhật Bản chỉ đứng thứ 40 trong 48 nước được đánh giá. Về TOEFL (Viết tắt của "Test of English as a Foreign Language", là bài thi được tiêu chuẩn hóa nhằm đánh giá khả năng thông thạo của người học và người sử dụng tiếng Anh), người Nhật là một trong những dân tộc nói tiếng Anh kém nhất châu Á.

2. Nhật Bản chi cho giáo dục tiếng Anh nhiều hơn các nước châu Âu, tuy nhiên hướng tiếp cận lại tỏ ra không hiệu quả.

Các kết quả nêu trên không tiêu biểu cho chi phí mà chính phủ Nhật Bản bỏ ra: Chính phủ Nhật Bản đã phải chi tổng cộng hơn ba triệu yên hàng năm cho hơn 4,400 giáo viên tham gia chương trình JET (Japan Exchange and Teaching Programme: Chương trình trao đổi và giảng dạy tiếng Anh), và chí tính riêng lương đã mất tổng cộng 130 triệu đô la. Thêm vào đó, nhiều bậc phụ huynh cho con em mình học ở các trường juku (các trường luyện thi và học thêm ở Nhật), học với gia sư, và các trường Eikaiga (các trường tư thục dạy đàm thoại tiếng Anh), và tin rằng cứ việc ném tiền vào các chương trình giáo dục tiếng Anh, con em mình sẽ nói tiếng Anh như người Mỹ ở New England. Tuy nhiên, nhiều người đang tranh cãi rằng hệ thống giáo dục nói chung nên cung ứng những giáo viên có bằng cấp và nhiều năm kinh nghiệm dạy học ở nước mình. Điều đó, như vẫn thường thấy trên các bài đăng tuyển việc, là điều "được ưu chuộng nhưng không cần thiết."
Giữa hàng ngàn giáo viên dạy tại các trường công lập đến từ chương trình JET, cũng như các giáo viên dạy tại các trường eikaiwa, là những giáo viên thực sự được đào tạo bài bản đang cố tạo nên điều khác biệt trong các lớp học qua việc khích lệ đàm thoại bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, phần lớn các chương trình giáo dục của Nhật Bản, có hay không có tiếng Anh, đều tập trung vào luyện thi đầu vào. Có trên 500,000 học sinh thi đại học mỗi năm; do đó, như một hệ lụy, tiếng Anh được giảng dạy trong các lớp học tập trung vào ngữ pháp và trắc nghiệm hơn là tập trung vào đàm thoại.
Các giáo viên bản xứ làm trợ giảng tại các trường công lập phải làm việc theo hệ thống, và những kỹ năng đáng giá nhất của họ - phát âm, đàm thoại, giải thích các cách biểu đạt và thành ngữ - rất hiếm khi được tận dụng, thay vào đó họ thấy mình đôi khi đóng vai trò như một máy ghi âm sống (nghe và lập lại) hoặc chỉ đứng bên lề để không gây chú ý đến các thầy cô đồng nghiệp không có kỹ năng tiếng Anh. Quả thực, đã từng có rất nhiều cố gắng để cải cách hệ thống giáo dục bằng cách đào tạo bài bản tiếng Anh cho các giáo viên người Nhật.

3. Tinh thần "trọng nội khinh ngoại" vẫn còn rất mạnh ở Nhật Bản.

Tòa án tối cao Nhật Bản vừa ban hành pháp lệnh về việc người nước ngoài thường trú tại Nhật Bản sẽ không được đảm bảo nhận trợ cấp. Mặc dù quyết định này ảnh hưởng nhiều hơn đến những người Trung Quốc và Hàn Quốc thường trú vốn chiếm xấp xỉ một nửa trong số 2,5 triệu người nước ngoài ở Nhật Bản, và tầm quan trọng của họ trong lực lượng lao động Nhật Bản không thể bị xem nhẹ: Số lượng người Nhật giảm đi mỗi năm là 268.000 người do tỷ lệ sinh giảm và già hóa dân số.
Nguồn cung hiện thời để lấp đầy khoảng thiếu hụt của lực lượng lao động đang già hóa chính là dân di cư. Thật không may, người lao động nước ngoài chủ yếu thường được xem là lao động hờ, chứ không phải là những thành viên đáng tôn trọng trong xã hội Nhật Bản; mỗi năm chính phủ Nhật Bản cấp phép cư trú cho rất ít những người tị nạn nước ngoài. Về mảng giảng dạy tiếng Anh, nhiều giáo viên từ 1 đến 3 năm đã nhận ra họ không thể tiến xa hơn vai trò làm giáo viên, một số ở lại các trường eikaiwa và chuyển sang làm tuyển dụng hoặc các vai trò quản lý nhỏ, số khác chọn các vị trí "cánh gà" ở các trường công lập hoặc tự khởi nghiệp nếu có ý định ở lại Nhật Bản. Những ai vẫn làm giáo viên trong nhiều năm rốt cuộc lại có thu nhập ít hơn hẳn những giáo viên người Nhật dạy tiếng Anh mà lại không được đảm bảo về nghề nghiệp ... và hằng hà sa số các sinh viên tốt nghiệp lúc nào cũng sẵn có.
Số lượng người nước ngoài ở Nhật Bản đã tăng lên trong nhiều năm nay, nhưng chính sách chính thức dường như lại khuyến khích người nước ngoài rời đi ngay khi hết thời hạn cho phép. Vào năm 2008, chỉ 11.000 trong số 130.000 sinh viên nước ngoài học đại học ở Nhật Bản tìm được việc làm, và phần lớn các công ty có lẽ đều cố ý duy trì tình trạng "thuần chủng dân tộc".

4. Rốt cuộc, phần nhiều là không xem trọng nhu cầu tiếng Anh

Nhu cầu học tiếng Anh khá cao: Tiếng Anh là một môn quan trọng trong các kỳ thi đầu vào, và gần đây Đảng Dân chủ Tự do (LDP) còn đề nghị tất cả các thí sinh thi đại học cần phải thi TOEFL. Các chiến dịch vận động từ các trường ngoại ngữ tư thục, chính phủ và bản thân nền văn hóa đều cổ vũ cho ý tưởng rằng học tiếng Anh = bước tiến đến sự thành đạt, dẫn đến việc cha mẹ hăng hái ép con cái mình học nhiều hơn và lâu hơn.
Tuy nhiên, điều này dường như lại dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực. Qua việc cung cấp cách tiếp cận các chương trình tiếng Anh gắn liền với các kỳ thi, chính phủ dường như khiến các học sinh ngại tìm học tiếng bên ngoài các lớp học cũng như trong đời sống xã hội sau này.
Vì sao việc một công ty lớn ở Nhật Bản chấp nhận sử dụng tiếng Anh vẫn còn là một chuyện lớn? Khi Bridgestone (tập đoàn đa quốc gia ở Nhật Bản, chuyên sản xuất các phụ kiện ô-tô và xe tải) tạo nên bước nhảy vọt vào năm 2013, thì cũng trong năm một cụ già 71 tuổi đã kiện hãng thông tấn NHK do sử dụng quá nhiều từ tiếng Anh. Tập đoàn Rakuten (tập đoàn dịch vụ internet và ngoại thương điện tử có trụ sổ đặt tại Tokyo), nhận ra được các vấn đề về lực lượng lao động đang giảm và già hóa đi, đã bắt đầu sử dụng tiếng Anh trong tất cả các phương tiện truyền thông của tập đoàn. Tuy vậy, những hành động như trên lại gây tranh cãi trên khắp đất nước, và gần như bị xem là phản bội bản sắc Nhật Bản. Cho đến khi có thay đổi, việc hoàn toàn thông thạo tiếng Anh dĩ nhiên vẫn sẽ gặp nhiều trở ngại.

(Nguồn: http://matadornetwork.com)

Đăng nhận xét

Blogger